Phản hồi của bạn

Truyền thuyết về Táo Quân trong nhân gian

17:26 06/02/2018

Tết Ông Công – Ông Táo được diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch) hàng năm. Đây là 1 phong tục rất quan trọng và được xem như là việc mở đầu cho 1 mùa lễ Tết cổ truyền của dân tộc. Việc cúng Ông Công – Ông Táo đã có từ thời Vua Hùng dựng nước, được con cháu, nhân gian truyền tụng và giữ gìn cho đến ngày hôm nay. Do là 1 phong tục có lịch sử hàng ngàn năm, được lưu truyền trong dân gian cho nên có rất nhiều điển tích khác nhau về Ông Công – Ông Táo tùy theo từng vùng miền, khu vực. Nhưng tất cả đều xuất phát từ một câu chuyện!

Ngày xưa có 1 đôi vợ chồng sống với nhau, người vợ tên là Thị Nhị còn người chồng tên là Trọng Cao. Do sống chung với nhau rất lâu nhưng mãi vẫn chưa có con nên cả 2 người đều sinh muộn phiền, lo âu dẫn đến việc thường xuyên cãi cọ nhau. Trong 1 lần nóng giận, người chồng Trọng Cao đã đánh vợ. Thị Nhị tức tối và tủi phận nên đã bỏ nhà ra đi. Trong thời gian bỏ nhà ra đi, người vợ đã gặp và lấy 1 người khác tên là Phạm Lang làm chồng. Còn về người chồng Trọng Cao, sau khi hết giận và ăn năn về những việc đã làm với vợ cho nên đã quyết định đi tìm.

Nhưng qua hàng tháng trời ròng rã không kết quả, tiền bạc và lương thảo cũng dần cạn kiệt cho nên Trọng Cao phải đi ăn xin. Nhưng duyên số sắp đặt dẫn lối Trọng Cao ăn xin đúng ngay vào nhà của Thị Nhị. Hai người vừa bất ngờ vừa xúc động khi nhận ra nhau sau bao ngày xa cách. Thị Nhị mời Trọng Cao vào nhà và tiếp đón hết sức chu đáo. Thị Nhị bày tỏ sự ân hận khi đã bỏ nhà ra đi và lấy Phạm Lang làm chồng. Tuy nhiên, đột nhiên Phạm Lang trở về nhà. Sợ Phạm Lang bắt gặp Trọng Cao ở trong nhà lại khó lòng giải thích. Cho nên Thị Nhị bèn bày cho Trọng Cao trốn trong đống rơm ở ngoài vườn.

Mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng do Phạm Lang cần tro để đi bón ruộng cho nên đã đi ra đốt đống rơm ngoài vườn. Và điều đó đã vô tình thiêu cháy Trọng Cao đang ngồi trốn ở phía bên trong. Lúc Thị Nhị từ trong nhà chạy ra thì Trọng Cao đã chết cháy. Ân hận về hành động xúi Trọng Cao trốn trong đống rơm nên Thị Nhị đã nhảy vào ngọn lửa đang cháy để chết cùng với Trọng Cao. Quá bất ngờ với hành động của vợ cho nên Phạm Lang đã nhảy vào đống rơm đang cháy với mục đích cứu vợ nhưng cũng bị chết cháy theo.

Câu chuyện về “hai ông một bà” vì trọn tình, vẹn nghĩa mà chết cùng nhau đến tai của Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng hết sức xúc động và cảm kích cho nên đã ban phước cho họ được ở bên nhau mãi mãi. Hóa họ thành Vua Bếp (Táo Quân), vật tượng trưng là chiếc kiềng ba chân ở trong bếp trong cuộc sống của người Việt xưa. Nhiệm vụ của Táo Quân là trông coi việc bếp núc và giữ lửa cho mọi gia đình. Đồng thời, quan sát và báo cáo lên Ngọc Hoàng về sự lành dữ, phẩm hạnh, công việc của những thành viên trong gia đình trong 1 năm đã qua.

Vì vậy, cứ vào ngày 23 tháng 12 Âm Lịch hàng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc làm tốt và chưa tốt của gia chủ để Ngọc Hoàng định đoạt Công – Tội. Sau đó sẽ bay xuống hạ giới vào đêm giao thừa để tiếp tục công việc của mình trong năm mới.

Văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Táo Quân là 1 phong tục có ý nghĩa và là nét đẹp văn hóa vào những ngày đầu năm mới. Vì vậy, mỗi gia đình Việt cần tìm hiểu kĩ và giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp này của dân tộc.

Có thể bạn muốn đọc thêm:

- Cách chọn ngày giờ đẹp và chuẩn bị mâm cúng Táo Quân đủ đầy nhất

- Văn khấn Ông Công – Ông Táo chuẩn nhất