Phản hồi của bạn

 
 

Cúng ông Công, ông Táo: "Tất tần tật" những điều bạn cần biết

15:53 03/02/2021

Hàng năm, đến ngày 23 tháng Chạp, người người nhà nhà lại cúng ông Táo. Đây được xem là một nghi lễ quan trọng cuối năm. Theo quan niệm dân gian thì ngày này là ngày ông Táo về chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng trên thiên đình những chuyện vừa xảy ra trong một năm vừa qua dưới hạ giới.

Trong các vị thiện thần thì Táo Quân được nhiều người biết là vị thần cai quản bếp núc trong nhà, ghi chép lại sinh hoạt tốt xấu người nhà để cuối năm trình tấu với Ngọc Hoàng.

Theo sách "Kính Táo toàn thư" thì "Táo Thần hưởng nhang khói của một nhà, gìn giữ sức khỏe cho người trong gia đình, theo dõi việc thiện ác của gia đình, tâu trình công tội của nhà đó" (thụ nhất gia hương hỏa, bảo nhất gia khang thái, sát nhất gia thiện ác, tấu nhất gia công quá). Với nhiệm vụ bảo hộ sinh mạng cho gia chủ nên Táo Quân còn được gọi là Tư mệnh Thần quân.


Ngày 23 tháng chạp là ngày lễ không thể thiếu của người Việt Nam.

Lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì?

Một mâm lễ cúng ông Công ông Táo gồm:
Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ , trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; Ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; Bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần; Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá. Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép; 9 cây cây nến đỏ.

Cũng tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ như trên hoặc cúng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món mặn theo truyền thống. Nếu là cỗ chay thì đơn giản với hoa quả, trầu cau, vàng mã để tiễn Táo quân về trời.

Mâm lễ bày tỏ lòng tôn kính, chứng minh tâm đức, lòng thành của gia chủ, biết ơn 3 vị Táo đã phù hộ cho gia đình an cư lạc nghiệp, sức khỏe bình an, tăng tài tiến lộc, gia đạo hưng vượng, công thành danh toại... và mong ước năm sau an khang thịnh vượng hơn năm trước.


Tùy điều kiện mỗi gia đình để chuẩn bị 1 mâm lễ cúng ông Táo phù hợp nhất.

Cúng ông Công, ông Táo giờ nào tốt nhất?
Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Sau khi bày biện đồ lễ, gia chủ thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn thì lễ tạ. Xong xuôi các công đoạn đó, đồ vàng mã được đem đốt, cá chép được thả ra ao, hồ… để cá chở ông Táo lên chầu trời. Mọi gia đình cũng bắt đầu từ sau ngày cúng ông Công ông Táo là dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, trang trí Tết.


Nên cúng ông Táo trước 12h trưa


Một số lưu ý khi cúng ông Công ông Táo
Chuẩn bị đầy đủ lễ vật, bài cúng ông Táo chuẩn thôi chưa đủ, khi cúng Táo quân, bạn còn cần lưu ý những điều sau:

- Nên thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp

Quan niệm xưa cho rằng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các Táo Quân sẽ về trời. Vì thế, lễ cúng cần phải được tiến hành trước thời điểm này. Bạn có thể làm lễ cúng vào tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp (trước 12 giờ trưa) đều được nhé!

- Không đặt mâm lễ cúng dưới bếp

Táo Quân là những vị cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc nên nhiều gia đình đã đặt mâm cỗ cúng dưới bếp. Tuy nhiên, để phù hợp với phong tục và quy tắc thờ cúng của dân ta, các vị Táo Quân cần được thờ phụng trên bàn thờ chính trong nhà thay vì ở bếp.

- Không xin tài lộc, sung túc

Táo Quân lên chầu trời là để báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện lớn, việc nhỏ diễn ra trong năm ở dưới hạ giới. Vì vậy, bạn chỉ nên cầu xin các Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng.

- Không nên thả cá chép từ trên cao xuống

Nhiều người chọn phóng sinh cá chép từ trên cầu hoặc ném cá chém ra xa, để chúng đi nhanh hơn. Điều này bị xem là mạo phạm, làm mất ý nghĩa tâm linh và đồng thời cũng khiến cá chết. Bạn nên ra mép sông, mép hồ để thả cá chép và cũng đừng quên vứt túi nilon đựng cá đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường bạn nhé.


Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo.