Phản hồi của bạn

Ý nghĩa và hướng dẫn cách tảo mộ “chuẩn” trước Tết

17:26 12/02/2018

Tảo mộ là dịp để con cháu báo hiếu, đền đáp công ơn gây dựng, sinh thành của tổ tiên. Đây là 1 công việc hết sức quan trọng, thiêng liêng và là bổn phận đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người Việt. Tuy nhiên, mỗi người, mỗi dòng tộc hay mỗi vùng miền đều có những cách thức, phong tục tảo mộ khác nhau. Qua bài viết này, phong thủy Phan Gia mong rằng sẽ giúp cho mọi người có cách nhìn kĩ hơn về ý nghĩa cũng như cách thức thực hiện việc tảo mộ chuẩn nhất.

Tảo mộ là gì? Cách lựa chọn thời gian tảo mộ tốt nhất

Tảo là quét dọn, sửa sang, chăm sóc… Mộ là mộ phần của ông bà, tổ tiên. Tảo mộ là sửa sang, quét dọn mộ phần của những người thân trong gia đình, dòng tộc. Đây là 1 phong tục của người Việt từ xa xưa nhằm bày tỏ lòng hiếu thảo, nhớ thương và kính trọng của con cháu đối với những người thân đã mất.

Với người Việt thì 1 năm có 3 lần tảo mộ chính:

- Tảo mộ vào tiết Thanh Minh (tiết Thanh Minh bắt đầu vào ngày thứ 60 tính từ sau khi Lập Xuân).

- Trước 1 ngày hoặc vào ngày giỗ.

- Vào tháng Chạp âm lịch (từ ngày 20 đến 30 Tết âm lịch) để rước ông bà về ăn Tết vào trưa 30.

Ngày và giờ giấc tảo mộ tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, thời gian của những người đi tảo mộ cũng như thời tiết. Tuy nhiên, nên lựa chọn thời gian mọi người tề tựu đầy đủ, thời tiết thuận lợi, khô ráo và ấm áp. Không nên đi quá sớm hay quá muộn, bởi nếu đi quá sớm thì sương đêm vẫn còn chưa tan hoặc nếu đi quá tối thì âm khí khá nặng nề rất không tốt cho những người đi tảo mộ. Nên lựa chọn ngày tạnh ráo, không thể ngày mưa gió bão bùng mà lại đi tảo mộ được.

Những công việc chính khi đi tảo mộ

Ông cha ta có câu “Sống nhà – Chết mồ”, có nghĩa là xem mộ phần là ngôi nhà của những người đã mất. Năm hết tết đến chúng ta sửa soạn, dọn dẹp cho ngôi nhà của mình, thì cũng như những mộ phần của ông bà, tổ tiên cũng cần phải được sửa sang lại cho thật khang trang vậy. Tảo mộ giúp cho phong quang quanh phần mộ trở nên thoáng đãng, hanh thông hơn.

Người đi tảo mộ cần chuẩn bị cuốc, xẻng để đắp lại mộ phần cho thật đầy đặn, tròn trịa. Rẫy sạch cây cỏ hoang dại mọc xung quanh, vừa giúp tạo cảnh quan sạch sẽ cũng như tránh các loài động như chuột, rắn… đào hang làm tổ phạm tới linh hồn của những người đã khuất. Cũng không nên trồng các loại cây có rễ mọc sâu. Bởi khi cây phát triển bộ rễ sẽ ăn sâu xuống đất và chọc tới phần di hài, gây ảnh hưởng không tốt về mặt tâm linh.

Trong khi các thanh niên, trai tráng lo việc dọn dẹp, sửa sang thì các bậc cao niên sẽ lo việc cúng khấn tổ tiên. Trẻ em cũng được tham gia việc tảo mộ. Việc này để giúp các em, các cháu vừa có thể biết được vị trí phần mộ của ông bà tổ tiên vừa có thể học hỏi dần việc bày tỏ lòng kính trọng của con cháu với tổ tiên. Những người làm ăn, công tác xa nhà quanh năm nên cố gắng trở về vào mỗi dịp tảo mộ để xum vầy cùng với gia đình và tổ tiên.

Sau khi đã sửa sang lại phần mộ xong, thì con cháu sẽ tiến hành thắp hương, đặt hoa quả lên phần mộ và thành tâm khấn vái mời ông bà, tiên tổ trở về cùng xum họp với gia đình, dòng tộc.

Khi thắp hương cho phần mộ của người thân xong, bạn cũng nên thắp hương và thành tâm khấn vái tại các ngôi mộ xung quanh hoặc các mộ phần vô chủ quanh đó.

Tại một số vùng miền còn có phong tục chuẩn bị đồ lễ khi đi tảo mộ bao gồm: 1 bộ tam sinh (bộ tam sinh trong tục lệ ngày xưa bao gồm 3 con vật: bò, dê, heo), giấy tiền, giấy ngũ sắc, vàng mã, quần áo mã và các loại bánh trái, thức uống, trầu cau… Tuy nhiên như đã nói ở trên, tại mỗi gia đình, dòng tộc, vùng miền lại có cách thức tảo mộ khác nhau. Cho nên bạn nên xem xét thật đúng đắn để làm đúng theo tập tục của ông cha mình để lại. Chứ không nên “học theo” cách của người khác rồi áp dụng cho mộ phần tổ tiên của mình.

Lưu ý, nếu bạn có tảo mộ và cúng lễ vật bánh trái thì cúng xong cũng không nên mang về nhà. Bởi ở nghĩa trang tồn tại rất nhiều vi khuẩn độc hại, chưa kể âm khí luôn hiện hữu. Cho nên nếu lỡ may ăn phải thì rất dễ bị nhiễm độc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy những bánh trái cúng xong bạn có thể rắc cho chim cá ăn chứ không nên mang về.

Những điều nên và không nên trong việc tảo mộ

- Tảo mộ là tục lệ để bày tỏ lòng hiếu nghĩa với người thân đã khuất. Vì vậy những truyền thống thiêng liêng, tốt đẹp thì nên cố gắng giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Còn những nghi thức rườm rà, nặng nề hình thức, sa đà vào mê tín dị đoan thì cũng cần phải mạnh dạn xóa bỏ. Khi tiến hành tảo mộ cũng nên chỉ làm đơn giản, kín đáo. Không nên làm rùm beng, trưng diện, khoe mẽ với thế gian. Đó không phải là báo hiếu nghĩa mà là hợm hĩnh, sẽ bị những người xung quanh dè bĩu, tiên tổ cũng sẽ cũng lấy làm gì vinh hạnh với những việc làm đó.

- Khi đi tảo mộ điều quan trọng nhất là sự thành tâm, chân thành của người đi tảo mộ.

- Lúc dọn dẹp, phát quang không nên đào xới quá nhiều gây ảnh hưởng đến địa thế của mộ phần. Nên làm nhẹ nhàng, cẩn thận để đất đá vụn không văng lung tung ra môi trường.

- Đi tảo mộ nên kiêng kị giẫm lên mộ phần của người khác hoặc đá vào vào đồ cúng của người khác.

- Phụ nữ cũng có thể đi tảo mộ. Nhưng phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Những người đang đến kì hay mang thai thì không nên đi tảo mộ.

- Không nên chụp ảnh tại mộ phần, bởi đây là nơi thiêng liêng và điều này sẽ “phạm húy” tới những người đang an nghỉ…