Nhằm khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam góp phần quảng bá giá trị, vẻ đẹp truyền thống tà áo dài gắn với người phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021) và 1891 năm Ngày khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sáng 1-3, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức lễ phát động hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” năm 2021.
Áo dài được xem là di sản văn hóa Việt Nam
Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống và là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, áo dài luôn không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam.
Sơ lược lịch sử áo dài
Theo các tài liệu nghiên cứu, từ 2000 năm trước khi Hai Bà Trưng giương lọng, cưỡi voi, áo dài đã xuất hiện trong đời sống người Việt hay xuất hiện trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Hòa Bình, Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh... Theo các nhà nghiên cứu, để có được một chiếc ào dài mang đậm nét văn hóa đặc trưng như ngày nay, bộ trang phục này đã phải trải qua nhiều giai đoạn biến thể khác nhau.
Hình ảnh cổ xưa nhất của áo dài được biết đến là áo Giao lĩnh (khoảng năm 1744). Lúc này, áo có kích thước rộng, thân áo được may bằng 4 tấm vải, dài đến chấm gót chân, xẻ 2 bên hông, phần tay áo dài, cổ tay rộng. Áo mặc cùng váy đen bên trong và thắt lưng vải bên ngoài.
Đến thế kỷ XVII, để thuận tiện hơn trong công việc làm đồng áng và buôn bán, chiếc áo Giao lĩnh được thiết kế gọn lại thành kiểu áo tứ thân, trong đó vạt trước được xẻ rời thành 2 vạt, người mặc có thể buộc 2 vạt này lại với nhau ở phía trước bụng. Áo tứ thân thường có màu tối vì trang phục này được sử dụng phổ biến ở tầng lớp nông dân - những người quanh năm với công việc đồng áng.
Thế kỷ XIX, áo dài ngũ thân được ra đời nhằm tạo ra sự cách biệt giữa tầng lớp quý tộc sang trọng và tầng lớp nông dân. Dựa trên cơ sở áo tứ thân, phần thân vạt trước của áo dài ngũ thân được bổ sung phần vạt áo thứ ẩn trong 2 vạt trước.
Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, áo dài Lemur được ra đời bởi bàn tay sáng tạo của họa sĩ Cát Tường (tên của chiếc áo dài này đã được đặt theo tên tiếng Pháp của Bà). Áo được may ôm sát cơ thể, chỉ có hai vạt trước và sau, vạt trước dài chấm đất. Nhằm tạo điểm nhấn nổi bật, chiếc áo dài Lemur được Âu hóa với phần áo có thắt eo, dáng tay phồng, cổ áo khoét hình trái tim… Có lẽ vì lý do này nên áo dài Lemur vấp phải sự phản đối của dư luận cho rằng kiểu áo này bị lai Tây, không phù hợp phong tục tập quán Việt Nam thời bấy giờ.
Phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài
Khắc phục các nhược điểm của áo dài Lemur là áo dài Lê Phổ. Áo dài Lê Phổ được ra đời dưới bàn tay khéo léo của nhà thiết kế cùng tên. Bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm vừa vặn thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn. Đây là chiếc ào dài nhận về khá nhiều sự khen ngợi và được sử dụng qua nhiều thời kỳ.
Đến những năm 1960, áo dài Raglan (còn gọi là áo dài giắc lăng) ra đời do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.
Đến nay, áo dài Việt Nam có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng và chất liệu. Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào có được.
Mang đậm bản sắc dân tộc và là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam
Áo dài là nét truyền thống văn hóa đẹp đẽ của người con gái Việt Nam
Tuy chưa có văn bản quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa-văn hoá của dân tộc Việt.
Áo dài gắn bó với đời sống của người Việt Nam, là biểu tượng của người phụ nữ Việt. Nét đặc trưng của áo dài được thể hiện ở tính phổ cập trong đời sống xã hội, trong các tầng lớp nhân dân. Áo dài Việt Nam có thể sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Người dân có thể mặc áo dài trong nhiều không gian, thời gian, sự kiện khác nhau: đi học, đi làm, đi chơi, đi chùa, đi lễ nhà thờ, dự tiệc hay vào các dịp lễ Tết, sự kiện văn hóa-xã hội quan trọng. Điều đó thể hiện tính linh hoạt, năng động, dễ hội nhập của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
Ở hầu hết các cuộc thi người đẹp của Việt Nam, trang phục áo dài luôn là một phần thi bắt buộc. Các hoa hậu Việt Nam khi tham gia thi quốc tế, đều chọn áo dài là trang phục dân tộc để trình diễn, bởi khó có thể tìm được bộ trang phục nào thể hiện tốt nhất bản sắc văn hóa Việt Nam như áo dài. Vẻ đẹp của áo dài, văn hóa mặc áo dài… còn được tôn vinh trong nhiều lễ hội hiện đại lớn, như các Lễ hội Áo dài tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các kỳ Festival Huế, Festival nghề truyền thống Huế…
Không chỉ hiện hữu trong đời sống, vẻ đẹp của áo dài luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ Việt Nam. Nhạc sỹ Từ Huy-Thanh Tùng trong bài “Một thoáng quê hương” đã viết: "Đẹp xiết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu, Paris, London hay ở những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó... em ơi". Hay như trong hội họa có họa sỹ Tô Ngọc Vân với “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”; họa sỹ Nguyễn Gia Trí với “Thiếu nữ bên hoa phù dung”; họa sỹ Dương Bích Liên với “Cô Mai”; họa sỹ Lê Phổ với “Hoài cố hương”…
Ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối”, là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam, nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc. Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.
Trong những năm gần đây, đội ngũ các họa sỹ, nhà thiết kế, nhà tạo mẫu đã đem lại vẻ đẹp mới cho tà áo dài dân tộc. Áo dài được thời trang hóa với nhiều cách tân, sáng tạo táo bạo, kết hợp nét tinh hoa của văn hóa truyền thống với yếu tố thời trang hiện đại. Trên cơ sở kiểu dáng, cấu trúc của chiếc áo dài cổ điển, các nhà thiết kế đã đưa thêm nhiều chất liệu mới và thổi vào đó vẻ đẹp mới, hiện đại như thêu, vẽ họa tiết trang trí, điểm xuyết hoa văn từ các trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, lấy họa tiết từ trống đồng, các linh vật như long, ly, quy, phượng, phố cổ Hà Nội, các loài hoa...
Có thể thấy, trải qua các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn… chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ. Áo dài đã vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, vừa trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam thời hiện đại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước ta ra khắp thế giới.
(Nguồn: sưu tầm)