Đi lễ chùa đầu năm được xem như là 1 nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đây là một hoạt động gắn liền với đạo Phật và được duy trì ở nhiều gia đình Việt Nam. Nhiều người đi lễ chùa với mong ước để cầu bình an, sức khỏe, thái bình, thịnh vượng… Nhưng cũng không ít người đi đến những chốn cửa thiền để làm những chuyện trái đạo lý của nhà Phật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của xã hội. Vậy ý nghĩa của việc đi lễ chùa đầu năm là gì? Và đi lễ chùa đầu năm thế nào sao cho đúng? Hãy cùng phong thủy Phan Gia tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Nhìn dưới góc độ xã hội, đa phần người dân Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống của gia đình, dòng họ. Việc truyền bá đạo Phật đã trải qua hàng trăm năm, được truyền từ đời nay đến đời khác dẫn đến việc đi lễ chùa đầu năm đối với nhiều gia đình từ lâu đã trở thành truyền thống, hoạt động thường ngày.
Khi đi lễ chùa đầu năm mỗi người đều có những tâm nguyện riêng cho mình. Từ cầu bình an, sức khỏe cho gia đình, đến phù hộ chuyện học hành thi cử. Hay chuyện làm ăn buôn bán được thuận lợi hơn, may mắn hơn… Cũng có nhiều người đi đến chùa để hành nghi lễ Phật, học Chánh Pháp, hành thiện tích đức hay chỉ là muốn tìm 1 nơi yên bình để tĩnh tâm khi gặp khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống.
Vì vậy, ý nghĩa chung của việc đi lễ chùa đầu năm là để đem đến sự bình an, hướng thiện cho con người để sống tốt hơn. Người đi chùa sẽ giác ngộ được những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật để có thể làm những chuyện tốt đẹp, ý nghĩa cho đời cũng như truyền lại cho con cháu sau này.
Tuy nhiên, không ít người thiếu hiểu biết đang làm méo mó, biến dạng các lễ hội gắn liền với đền chùa. Họ làm những hoạt động tín ngưỡng trái với bản chất, giáo lý của nhà Phật. Truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan. Gây lãng phí nghiêm trọng về thời gian cũng như tiền bạc…
- Khi đi lễ chùa bạn nên chỉ sắm lễ chay bao gồm: hương, quả chín, hoa tươi, oản, xôi chè… Không nên sắm sửa lễ mặn như thịt, gà, giò, chả, cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn)… Tuyệt đối không được dâng lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính điện – là nơi thờ tự chính của ngôi chùa) cũng như đặt tại ban thờ hay điện thờ của Đức Ông (vị thần cai quản toàn bộ công việc trong ngôi chùa).
- Không nên sắm lễ vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Nếu có chuẩn bị thì cũng chỉ nên đặt tại bàn thời thần linh, Thánh Mẫu hay Đức Ông. Kiêng đặt tại ban thờ Phật, Bồ Tát. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án tại chính điện mà nên để vào hòm công đức.
- Hoa dâng lễ Phật có thể là hoa sen, hoa mẫu đơn, hoa huệ, hoa ngâu, hoa cúc… Không nên sử dụng các loài hoa tạp, hoa dại.
- Trước ngày đi lễ cần chay tịnh trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như ăn chay, kiêng giới, làm việc thiện…
- Tại các ngôi chùa, ban thờ to nhất bao giờ cũng ở chính giữa tại nhà chính. Khi đặt lễ ở đây để đầy đủ nhất phải gồm 5 món: hương - nến – hoa – quả - nước. Nếu không sắm sửa được hết thì cũng không sao. Bởi bạn chỉ cần cúng chư phật bằng tấm lòng thành tâm, chân thật là đã được rồi. Tuyệt đối không nên để tiền – vàng mã bao gồm cả tiền thật lên ban thờ chính. Tiền thật nên để trực tiếp vào hòm công đức coi như là tiền cúng dường.
- Trong chùa còn có rất nhiều ban thờ khác như ban Mẫu, ban Đức Ông, ban Thánh Hiền… Mỗi ban lại có cách sắp xếp vị trí khác nhau tùy vào mỗi ngôi chùa. Tuy nhiên trước mỗi ban đều có ghi rõ tên của ban. Bạn có thể quan sát để khấn vái cho đúng.
- Về thắp hương, vì lý do an toàn nên bây giờ tại nhiều ngôi chùa không cho thắp hương tại bên trong chùa nữa. Thay vào đó bạn có thể thắp tại lư hương to đặt tại trước cửa chùa. Sau đó đi từng ban để khấn.
- Về khấn ván, khi đi lễ chùa mọi người thường chú trọng sám hối, sau đó bày tỏ tâm nguyện cho người mất được siêu sinh, cho người sống được mạnh khỏe, may mắn, an khang… Tuyệt đối không nên khấn vái, cầu xin những việc trái với đạo lý, đạo đức xã hội.
- Lúc đi chùa, hành lễ cần ăn mặc lịch sự, chỉnh chu. Không nên ăn mặc xuề xòa quá cũng đừng hở hang quá mức. Vì đền chùa là chốn linh thiêng, không phải là nơi bạn phô trương cá tính hay thời trang của mình.